Tìm kiếm tin tức
Tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên đề gần 400 học sinh trường Dân tộc nội trú
Ngày cập nhật 21/10/2024

Ngày 16 và 19 tháng 10 năm 2024, Ban Dân tộc phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị sinh hoạt nói chuyện chuyên đề thực hiện Tiểu dự án 02, Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 cho gần 400 học sinh tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và THCS Dân tộc nội trú huyện Nam Đông.

Toàn cảnh buổi sinh hoạt tài trường Phổ thông DTNT tỉnh

 Đến tham dự và trao đổi chuyên đề có Bà Hồ Thị Tùy, Trưởng phòng Thanh tra và tuyên truyền; Thạc sĩ. BSCKII. Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số; Đại diện lãnh đạo nhà trường, giáo viên và các em học sinh của trường nói trên.

 Chia sẻ tại buổi nói chuyện, Bà Hồ Thị Tùy cho biết: Trước năm 2020, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại tỉnh Thừa Thiên Huế khá cao. Trước tình hình đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 168 /KH-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2021 về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”, trong đó Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chất lượng dân số….. nhằm giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cùng với triển khai nội dung 2 của Dự án 7 và 9 của Chương trình mục tiêu Quốc gia tại Nam Đông A Lưới, số tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm mạnh. Năm 2020 có 45 trường hợp, đến năm 2023 chỉ còn 14 trường hợp tại A Lưới, Nam Đông không có tảo hôn và đặc biệt không có hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

Bà Hồ Thị Tùy chia sẻ với các em học sinh trường PTDTNT tỉnh

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Đây cũng là một trong những lực cản đối với kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số.

  Đặc biệt đối với các em học sinh Trường Dân tộc nội trú các em thường ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và phải sống xa cha mẹ nên vai trò của giáo viên và nhà trường là rất quan trọng. Giáo viên và nhà trường không chỉ thay cha mẹ các em trong cuộc sống tập thể xa nhà mà còn chính là những người thủ lĩnh tinh thần, người giáo dục, hình thành và hoàn thiện nhân cách cho các em học sinh. Các em cần được quan tâm chu đáo từ phía gia đình, nhà trường và xã hội để hạn chế những tổn thương về tâm lý, sức khỏe cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên do mang thai ngoài ý muốn hay quan hệ tình dục không an toàn. Những chấn động, cú sốc tâm lý sẽ gây ra những hậu quả khôn lường khi các em còn quá trẻ. phải mang thai sớm, mang thai ngoài ý muốn, sinh con khi còn quá trẻ và tước đoạt cơ hội học tập của các em.

Thạc sĩ. BSCKII. Phan Đăng Tâm trao đổi tại hội nghị

   Ngoài ra, tại buổi nói chuyện các em cũng đã được lắng nghe, chia sẻ, trao đổi từ Thạc sĩ. BSCKII. Phan Đăng Tâm về các chủ đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên: Tuổi dậy thì; Tình bạn và tình yêu đôi lứa; Tảo hôn và hôn nhân cận huyết; Xâm hại tình dục trẻ em; Những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; Kiến thức về giới tính và tình dục an toàn, không quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên để tránh mang thai ngoài ý muốn, hậu quả của nạo phá thai; các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả HIV/AIDS…

Học sinh mạnh dạn trao đổi những khó khăn, vướng mắc

 Tại buổi này các em cũng đã được giao lưu, giải đáp thỏa đáng những băn khoăn, thắc mắc xoay quanh cách phòng, chống tảo hôn trong nhà trường và ở thôn, làng nơi các em sinh sống; cách xử lý tình huống khi có tình cảm khác giới với bạn học...Qua đó nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kết hôn đúng độ tuổi, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Đồng thời, giúp các em hiểu được quá trình thay đổi của cơ thể, có thái độ tích cực về những thay đổi của bản thân, đồng thời khuyến khích các em chia sẻ cảm xúc để vững vàng vượt qua giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời từ đó giúp các em có những chuyển biến tích cực trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng./.

 

Hồ Nguyên (T)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.537.993
Lượt truy cập hiện tại 6.358