Sức sống từ Chỉ thị 40 với đồng bào dân tộc vùng cao A Lưới
Ngày cập nhật 16/05/2024

Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đem lại hiệu quả cao đối những đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện A Lưới.

Thoát nghèo từ vốn vay ngân hàng chính sách

Trước đây, gia đình bà Trần Thị Đơn, dân tộc Tà Ôi, xã A Ngo, huyện miền núi A Lưới là một trong những hộ nghèo của xã. Sau nhiều năm bươn chải với cuộc sống, cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 2016, gia đình bà được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.

Có vốn, bà Đơn đã tập trung cải tạo 3ha đất đồi của gia đình, sau đó mua toàn bộ cây giống chủ yếu là keo để trồng. Sau gần 5 năm chăm sóc, rừng keo đã phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2020, bà Đơn đã trả hết nợ ngân hàng và thoát khỏi hộ nghèo của xã.

Xác định phải thoát nghèo bền vững, đầu năm 2021, bà Đơn tiếp tục đề xuất Tổ tiết kiệm, bình xét vay vốn hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Sau bình xét, bà Đơn được ngân hàng chính sách xã hội cho vay 50 triệu từ nguồn vốn vay này để đầu tư mở rộng trồng thêm 02ha rừng và 03 con bò. “Muốn đầu tư phát triển kinh tế điều quan trọng nhất là vốn, mà nhìn vào căn nhà dột nát (như lúc mới vay vốn) chẳng ai dám cho mình vay mượn. Cho đến khi tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH, gia đình mới đầu tư phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích rừng. Nhờ đó, từ một hộ 3 không (không nhà cửa an toàn, không thu nhập, không việc làm) đến nay gia đình đã trở thành gia đình 3 có: có nhà cửa khang trang, có thu nhập ổn định, con cái được học hành” , bà Đơn chia sẻ.

Cùng với chủ trương chung của Ngân hành Chính sách Xã hội, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tham mưu Cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện dồn vốn cho những địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, dòng chảy tín dụng về các xã ngày càng mạnh và phủ rộng, hòa quyện cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong huyện.

Ông Đinh Viết Cường, Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc, huyện A Lưới khẳng định, thông qua nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội, người dân đã phát huy được thế mạnh của địa phương tập trung trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp cải tạo vườn tạp, làm dịch vụ… Nhờ đó, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 71% thì đến nay thông qua nguồn vốn ngân hàng chính sách tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 15,41%; đây là nguồn vốn rất quan trọng góp phần giúp xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024.

Xóa nhà tạm từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Không chỉ hỗ trợ vốn vay ưu đãi giúp đồng bào phát triển kinh tế, các hộ đồng bào DTTS vùng cao A Lưới có cơ hội được tiếp cận vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở từ nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021- 2025” theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP (NĐ 28). Nguồn vốn ưu đãi này đã trao thêm cơ hội an cư cho đồng bào DTTS tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi.

Là một trong những hộ vay vốn xay nhà ở theo NĐ 28, gia đình anh Hồ Văn Thứ, người đồng bào dân tộc Pa Cô, thôn A Tia 1 vui mừng khi căn nhà mới của gia đình được hoàn thiện. Theo anh Thứ, căn nhà trước đây vốn không kiên cố lại bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão năm 2021 nên hư hỏng nặng. Tuy nhiên do không có vốn nên gia đình chưa có cơ hội đầu tư. Mới đây được sự hỗ trợ của Nhà nước 40 triệu đồng và nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới 40 triệu đồng, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà ở với tổng chi phí dự kiến 120 triệu đồng, đầu tư xong căn nhà này thì mưa to, gió lớn cũng không còn phải lo lắng nữa. Chúng tôi rất biết ơn chính sách của Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến người dân vùng sâu, vùng xa như chúng tôi. Đây là động lực lớn giúp chúng tôi yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.

Không riêng gì anh Thứ, tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi vùng cao A Lưới, các hộ đã tiếp cận nguồn vốn này một cách nhanh chóng và thuận lợi; các ngôi nhà hộ nghèo người đồng bào DTTS được xây mới khang trang làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH hội huyện A Lưới ông Lê Quang Thắng cho biết, sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tại huyện A Lưới đã có trên 33.900 lượt hộ nghèo và các đội tượng chính sách được vay vốn ngân hàng. Thông qua nguồn vốn đã giúp cho trên 5.900 hộ nghèo vay phát triển sản xuất; trên 1.700 lao động được tạo việc làm mới, đáp ứng cho 576 HSSV có hoàn cảnh khó khăn trang trải các chi phí học tập; gần 17.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo và xây dựng mới. Đã đầu tư cho 3.005 hộ DTTS vay vốn theo Quyết định 2085, QĐ54, QĐ 755 và theo Nghị định 75 nhằm cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Có 1.936 hộ nghèo vay vốn xây dựng và cải tạo nhà ở theo quyết định 167,QĐ 33, QĐ48 của Thủ tướng Chính phủ. Đã đầu tư cho 1.451 hộ DTTS vay vốn theo Quyết định 2085, QĐ54, QĐ 755 và theo Nghị định 75 nhằm cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn. Có 613 hộ nghèo vay vốn xây dựng và cải tạo nhà ở theo quyết định 167,QĐ 33, QĐ48 của Thủ tướng Chính phủ và 607 nhà hộ đồng bào DTTS cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP…

Không để người nghèo thiếu vốn

Với phương châm không để người nghèo thiếu vốn, những năm qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lưới đã triển khai đồng bộ các giải pháp để người dân có vốn phát triển sản xuất, đặc biệt hộ đồng bào DTTS.

Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lưới đã thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 562,9 tỷ đồng với trên 10.300 khách hàng còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 54,3 triệu đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05% tổng dư nợ. Cùng với đó, huyện A Lưới dành một phần ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn. Từ đó, giúp ngân hàng chính sách xã hội chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách trung ương trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, từ khi Chỉ thị được ban hành, đến nay, nguồn ngân sách địa phương chuyển sang Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lưới gần 05 tỷ đồng.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện A Lưới xác định sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chính sách của Nhà nước nói chung, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tới Nhân dân các dân tộc trong huyện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội./.

Ngân hàng CSXH huyện A Lưới

Các tin khác
Attempted to divide by zero.