Tìm kiếm tin tức
Đơn vị Thiết kế
Đảm bảo và thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 27/09/2024

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương nhằm đảm bảo và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (các khoản 2, 3, 4 Điều 5). Dưới góc độ đảm bảo và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số, hệ thống pháp luật nước ta đã có những bước phát triển bên cạnh những quy định bảo đảm quyền con người nói chung, còn có những điều luật quy định đặc thù và các chính sách cụ thể như chính sách về đất đai, giáo dục, y tế, vay vốn tạo việc làm, chính sách bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.... Chính sách hiện nay tập trung phát triển chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa một cách toàn diện ở khu vực miền núi cụ thể như: Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước yêu cầu mới đặt ra, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới;  Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là động lực, luồng sinh khí mới cho thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới.

Ngoài việc tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhờ vậy đã đạt được những kết quả như:

 

Hình ảnh minh họa

- Diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo được nâng lên.

- Đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng từ 36 triệu đồng/người/năm vào năm 2022 lên 38,5 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm (huyện A Lưới giảm 16,31%, giảm từ 40,71% xuống còn 24,4%; huyện Nam Đông giảm 4,32%, giảm từ 6,94% giảm xuống còn 2,62%).

- Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số từng bước được giữ gìn, khôi phục, bảo tồn và phát huy, phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ; hàng năm tổ chức các ngày hội văn hóa các dân tộc mang đậm dấu ấn của từng dân tộc. - Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng ngày càng vững mạnh. Cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố, đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc hơn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong trào toàn dân được phát triển, không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh trật tự.

- Nhiều quy định và chính sách đặc thù đã tạo điều kiện để đồng bào DTTS tỉnh tiếp cận các quyền cơ bản đó một cách thuận lợi và phát huy vai trò của mình như: Quyền Dân chủ; Quyền tham gia bầu cử, ứng cử; Quyền Bình đẳng giới; phát huy vai trò giám sát cộng đồng; vai trò Người có uy tín, già làng, trưởng bản,..

Hình ảnh minh họa

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những yếu tố ảnh hưởng nhất định đến vùng đồng bào DTTS cũng như việc bảo đảm và thúc đẩy quyền của người DTTS, như:

- Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội còn  khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ nên khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản của xã hội như giao thông, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.

- Trình độ văn hóa đồng bào DTTS đã được nâng lên rõ rệt nhưng chưa đồng đều, làm hạn chế khả năng tiếp cận các quyền cơ bản dẫn đến khả năng tự bảo vệ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân của cá nhân cũng hạn chế.

- Một số văn hóa của nhiều DTTS đang đứng trước nguy cơ bị mai một như: các tri thức truyền thống như sử thi, văn hóa cồng chiêng,  kiến trúc, hoa văn, họa tiết trang trí khu nhà Piing truyền thống, xây đựng nhà Moong, Roong, Gươl truyền thống,…. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quản lý làng, bản truyền thống gắn với các không gian văn hóa cộng đồng chưa được quan tâm bảo tồn, phát huy, nhận thức của một bộ phận người dân, đặc biệt là lớp trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc vẫn còn chưa sâu sắc.

- Văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất về DTTS là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, tuy nhiên nghị định này chưa quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc ( nhất là cơ chế về nguồn lực) dẫn đến việc phân loại, đánh giá thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chính sách.

Để đảm bảo và thúc đẩy quyền của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cần phát huy hiệu quả trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân, cụ thể:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương về bảo đảm và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số trong tình hình mới.

- Bảo đảm và thúc đẩy quyền cho người DTTS phải gắn với phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN, gắn với giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS.

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS; đảm bảo quyền bình đẳng giới góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS&MN để luôn củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước;

- Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới.

- Tăng cường phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS &MN, ưu tiên phát triển những lợi thế của vùng, tạo công ăn việc cho đồng bào.

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách liên quan quyền của đồng bào DTTS.

Hình ảnh minh họa

Có thể nói, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số đã được thực hiện qua nhiều quan điểm, đường lối, chính sách kinh tế - xã hội quan trọng. Bởi xác định việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người nói chung, quyền của người thiểu số nói riêng là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội. Trong thời gian tới, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật là điều cần thiết nhằm tăng cường bảo đảm  và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung và Tỉnh Thiên Huế nói riêng./.

 

Minh Hằng (B)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.512.165
Lượt truy cập hiện tại 2.992