MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM ĐẾN ĐỜI SỐNG HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ SAU TÁI ĐỊNH CƯ
Ngày cập nhật 31/05/2011

Vùng dân tộc, miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế có 7 khu tái định cư (TĐC) thuộc 7 xã/ 4 huyện, bị ảnh hưởng do xây dựng các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi và nhà máy xi măng, đó là: Khu TĐC thôn Kăn Sâm, xã Hồng Thượng, Khu TĐC xã Hồng Vân, huyện A Lưới; Khu TĐC thôn Thanh niên, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông; Khu TĐC bản Bồ Hòn, xã Bình Thành; Khu TĐC thôn 5, xã Hồng Tiến, huyện Hương Trà; Khu TĐC bản Phúc Lộc, xã Xuân lộc, huyện Phú Lộc, Khu TĐC thôn Bến Ván xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.

 

Toàn vùng TĐC hiện có 259 hộ, 1.201 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Pakô, Ta Ôi, Bru Vân Kiều, Cơ Tu và Pa Hy. Sau khi đến ở tại các khu TĐC, tất cả các hộ đồng bào DTTS đều có nhà kiên cố để ở; cơ sở hạ tầng khu TĐC như: đường, điện, trường, trạm, nước sinh hoạt đều được đầu tư xây dựng. Hầu hết các hộ đồng bào DTTS đều có thu nhập một lúc với số tiền khá lớn, có nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng, do được hưởng chính sách đền bù tài sản trên đất và quyền sử dụng đất nên họ có vốn để đầu tư thêm vào việc xây dựng nhà cửa, mua sắm các phương tiện sinh hoạt gia đình; một số ít hộ đã đầu tư vốn để phát triển sản xuất.
          Bên cạnh những kết quả thu được trong việc ổn định đời sống của các hộ gia đình tại các khu TĐC, cũng còn nhiều bất cập cần quan tâm giải quyết:
 
 
 
                                       Khu tái định cư xã Hồng Vân
 Về sinh kế: Đại bộ phận các hộ dân ở các khu TĐC đều gặp khó khăn rất nhiều so với nơi ở cũ, do thiếu đất sản xuất; thiếu cơ hội chuyển đổi ngành nghề; nhiều nơi đồng bào phải đi làm thuê hàng ngày để có thu nhập, song không ổn định. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo hiện có 144 hộ, chiếm 56%, hộ cận nghèo 48 hộ, chiếm 19%; có khu TĐC tỷ lệ hộ nghèo 100% như khu TĐC Bến Ván, huyện Phú Lộc và khu TĐC Hồng Vân, huyện A Lưới.
 Về cơ sở hạ tầng: Tuy có được xây dựng nhưng chưa đồng bộ, một số công trình chưa phát huy hết công năng như nhà họp thôn, nhà trẻ; các hộ dân tại khu TĐC Bản Phúc Lộc, thôn Thanh niên xã Thượng Quảng không có nước sạch để sinh hoạt, do nước giếng bị nhiễm phèn, công trình nước tập trung đã bị hư hỏng, người dân phải dùng nước suối để dùng hàng ngày; điện sinh hoạt một số khu TĐC yếu không đáp ứng nhu cầu sử dụng.
 Nguyên nhân chủ yếu là do: Kế hoạch xây dựng khu TĐC, các chủ đầu tư chỉ mới tính đến lợi ích trước mắt và bề nổi là xây nhà ở cho các hộ dân, xây dựng cơ sở hạ tầng; phối hợp chưa chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ sở trong việc tìm kiếm đất sản xuất, vận động nhân dân nhận đất đổi đất thay vì nhận tiền đền bù đất để xây dựng sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân. Cá biệt, có nơi như khu TĐC Bến Ván, khu TĐC Bản Phúc Lộc, sau khi thu hồi đất của các hộ dân để xây dựng công trình thuỷ lợi (lòng hồ Tả Trạch), Nhà nước hứa với dân là đất đổi đất, chỉ đền bù hoa màu trên đất, nhưng thực tế đến nơi ở mới không có quỹ đất để cấp cho dân, dẫn đến người dân không có đất để sản xuất. Ở các khu TĐC khác có cấp đất cho dân, nhưng diện tích rất ít không đủ canh tác, dẫn đến nguy cơ tái nghèo là rất cao;
Nhiều hộ người DTTS chỉ chú trọng sử dụng hầu hết kinh phí đền bù vào việc làm nhà và mua sắm các tiện nghi đắt tiền, không dành (hoặc dành rất ít) vốn để phát triển sản xuất làm kế sinh nhai lâu dài;
Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm chưa đúng mức đến công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Tiến độ xây dựng một số khu TĐC quá chậm, có nơi kém chất lượng như: khu TĐC Hồng Thượng, Hồng Vân, huyện A Lưới, hiện nay vẫn chưa xây dựng hoàn thiện để đưa dân về ở.
 
         Khu tái định cư thôn Kăn-Sâm, xã Hồng Thượng
          Từ thực tế trên, có nguy cơ tiềm ẩn của việc tái nghèo, tái du canh du cư, phá rừng làm rẫy đối với các hộ đồng bào DTTS tại các vùng TĐC; có thể diễn biến bất lợi về mặt xã hội, nếu chúng ta không sớm có kế hoạch xây dựng sinh kế bền vững cho đồng bào.
Vì vậy, Ban Dân tộc kính đề nghị UBND tỉnh sớm xem xét cho xây dựng Đề án về giải pháp sinh kế bền vững cho các hộ đồng bào DTTS ở các khu TĐC, mà trọng tâm là giải quyết các vấn đề về đất (nguồn đất, loại đất, diện tích đất), về cách thức tổ chức sản xuất (số hộ được giao đất, ngành nghề cần chuyển đổi, hướng chuyển đổi), về phương thức đào tạo và tìm đầu ra (đào tạo ra sao, làm việc ở đâu,…). 
 
                                                                                                 Đinh Thị Hương phòng ĐCĐC Ban Dân tộc

 

Các tin khác
Attempted to divide by zero.