Đối thoại giải quyết việc làm cho trí thức trẻ A Lưới
Ngày cập nhật 30/07/2013

  (TTH) - Năm 2004, huyện A Lưới đã mạnh dạn đột phá trong công tác cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở, đưa các trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm Phó Chủ tịch (PCT) UBND xã, thị trấn. Hiệu quả của việc làm này đã có nhiều bài viết trên nhiều báo ở trung ương và địa phương.

Nhiều trí thức trẻ chưa có việc làm

Quang cảnh buổi gặp mặt các trí thức trẻ

Gần 10 năm qua, A Lưới tiếp tục tăng cường và trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở. Hàng trăm trí thức trẻ thuộc nhiều lĩnh vực đã được tuyển dụng vào làm công chức hoặc cán bộ bán chuyên trách cấp xã; công chức, viên chức cấp huyện, giáo viên các trường học. Mặc dù vậy, “độ vênh” giữa đào tạo và sử dụng còn hết sức chênh lệch. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 300 thanh niên trên địa bàn được đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa có việc làm ổn định.

Trước tình hình này, ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện đã chủ động làm việc với các cá nhân và tổ chức phối hợp tìm hướng giải quyết việc làm cho trí thức trẻ. Buổi gặp mặt cởi mở và cầu thị được tổ chức sáng 20-7-2013 tại huyện đã thu hút khoảng 300 trí thức trẻ trên tất cả các lĩnh vực. Số lượng đông vượt dự kiến của Ban tổ chức. Vì vậy, Văn phòng UBND huyện đã xin lỗi các trí thức trẻ, vì ý định lần này chỉ tổ chức gặp mặt những người được đào tạo trên lĩnh vực nông lâm nghiệp, môi trường, kinh tế; các lĩnh vực khác sẽ nghiên cứu tổ chức sau. Cuối cùng, có 69 trí thức trẻ được đào tạo ở các lĩnh vực nói trên đã tham dự buổi gặp mặt.
 
Mở đầu buổi gặp mặt, ông Hồ Xuân Trăng đặt vấn đề thảo luận: “Hiện nay, trên địa bàn A Lưới có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp các trường, trong lúc con đường viên chức mỗi năm chỉ tuyển dụng chưa được 10% số sinh viên ra trường. Cơ hội tìm kiếm việc làm từ các địa phương khác hoàn toàn không dễ dàng. Vậy làm thế nào để tạo việc làm và sử dụng tốt kiến thức được đào tạo của trí thức trẻ, góp phần xây dựng huyện? Lãnh đạo huyện rất trăn trở, song vẫn chưa tìm ra hướng đi tích cực.
 
 
Cơ hội từ mô hình hợp tác xã
 
Tại cuộc gặp mặt, mọi người cùng trao đổi và thống nhất cần phải thay đổi nhận thức. Con đường công chức, viên chức không phải là hướng đi duy nhất cho hầu hết trí thức trẻ, mà phải tìm kiếm việc làm từ các môi trường khác, ở các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Ý tưởng là vậy, song khó nhất là xác định hướng giải quyết việc làm chủ yếu là lĩnh vực gì, ở đâu, loại hình tổ chức như thế nào? Nhận thấy, tiềm năng A Lưới lớn nhất và chủ yếu nhất vẫn là khai thác thế mạnh từ sản xuất nông lâm nghiệp. Vì vậy, chủ đề thảo luận tại buổi gặp mặt là giải quyết việc làm từ khai thác thế mạnh nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Về loại hình tổ chức sản xuất có thể là doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, trang trại, gia trại,...; song hướng chính để mọi người có thể hợp tác, liên kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các trí thức trẻ, giữa trí thức trẻ và các hộ nông dân là phát triển loại hình hợp tác xã (HTX).
 
Được UBND huyện mời với tư cách tư vấn cho buổi gặp mặt, người viết bài này đã giới thiệu Luật và các chính sách hiện hành về phát triển HTX. Đồng thời phân tích việc phát triển HTX trên địa bàn huyện A Lưới trong giai đoạn hiện nay có những điểm mạnh là phù hợp với đặc trưng đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mang tính chia sẻ và hỗ trợ nhau trong cộng đồng; sự quan tâm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo huyện nhằm triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; người dân trên địa bàn đang tìm cách để liên kết và hợp tác với nhau trong hoạt động sản xuất và dịch vụ nhằm chống việc cung cấp các dịch vụ độc quyền, thiếu tính cạnh tranh như mua bán gỗ rừng trồng, giống cây con, phân bón... của các doanh nghiệp hoặc cá nhân. Tuy nhiên, điểm yếu của việc tổ chức HTX là năng lực và kinh nghiệm của người dân, của các thành viên quản lý HTX còn nhiều hạn chế...
 
Nếu hình thành HTX theo hướng hợp tác giữa trí thức trẻ và các hộ nông dân trên địa bàn, những ý tưởng ban đầu về hoạt động của HTX có thể thực hiện được ngay như: UBND huyện, Ban DT có thể hỗ trợ để HTX có các hoạt động dịch vụ cung cấp về cây, con giống, phân bón, các loại vật tư nông nghiệp… phục vụ cho hộ nghèo để thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình 135; Quyết định 102 ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn. Sự liên kết hợp tác giữa các hộ dân được giao đất và giao rừng với các trí thức trẻ là thành viên của HTX trong việc cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế theo Thông tư số 23 ngày 4/5/2013 hoặc trồng cao su trên đất lâm nghiệp theo Thông tư số 58 ngày 09/9/2009 của Bộ Nông nghiệp &PTNT; trồng mây nước dưới tán rừng tự nhiên được giao theo Dự án trồng rừng sản xuất thuộc chính sách 147 để phát triển ngành nghề mây tre đan trong HTX; hoặc dịch vụ mua bán gỗ keo rừng trồng thông qua liên kết với các nhà máy dăm giấy, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng...
 
Tại buổi gặp mặt, nhiều ý kiến tán thành và mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình phát triển HTX. Có 32 ý kiến ủng hộ sẵn sàng liên kết để hình thành các HTX; 29 ý kiến chưa sẵn sàng và 8 ý kiến đang suy nghĩ. Tất cả các ý kiến đều mong muốn có việc làm ổn định, có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và trả nợ vay ngân hàng trong quá trình học tập. UBND huyện đã thống nhất giao Văn phòng HĐND&UBND huyện làm đầu mối liên lạc giữa các bên liên quan; đồng thời đề nghị Ban DT và CLBLN tỉnh cùng với UBND huyện chuẩn bị các bước tiếp theo để phối hợp với các bên liên quan và 32 trí thức trẻ đã đăng ký thúc đẩy sớm hình thành mô hình HTX trên địa bàn huyện.
Võ Văn Dự
Các tin khác
Attempted to divide by zero.