Tập huấn giới thiệu Cổng thông tin địa lý 2.0 về Bản đồ GIS Dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 02/11/2015
Cán bộ Trung tâm EDIC giới thiệu về Cổng thông tin địa lý của tỉnh

Nằm trong nội dung kế hoạch của dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế”, sáng ngày 30/10/2015, Ban Dân tộc phối hợp với Trung tâm Thông tin Dữ liệu Điện tử (Sở Thông tin và Truyền thông) đã tiến hành giới thiệu và tập huấn cho toàn thể cán bộ công chức của Ban về cổng thông tin địa lý 2.0 bản đồ GIS Dân tộc.

Có được kết quả bước đầu để giới thiệu, tập huấn sử dụng cho toàn thể cán bộ Ban hôm nay, đó là sự nỗ lực lao động của tập thể Lãnh đạo Ban và Tổ thực hiện Dự án CSDL. Qua quá trình chuẩn bị, triển khai ngoại nghiệp, nội nghiệp, phối hợp với Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử, cơ sở dữ liệu về vùng Dân tộc thiểu số thể hiện trên Cổng thông tin địa lý GISHue đã được hình thành. Nội dung tập huấn gồm có hai phần: Một là, giới thiệu về cổng thông tin địa lý của tỉnh và bản đồ chuyên đề về GIS dân tộc thiểu số; Hai là tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ công chức thuộc Ban gồm hai đối tượng: Quản trị ngành (là những người trực tiếp quản trị, vận hành cổng thông tin địa lý GIS dân tộc thiểu số) và cán bộ chuyên môn (là những người trực tiếp cập nhật, quản lý dữ liệu).

Qua buổi tập huấn, hầu hết cán bộ Ban Dân tộc đều đã hiểu được mục đích, vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng cổng thông tin địa lý GIS dân tộc thiểu số, nắm bắt được quy trình cập nhật, quản lý. Với các nội dung liên quan đến kỹ thuật, hi vọng rằng, qua thời gian áp dụng, mỗi cán bộ được giao trực tiếp là quản trị ngành hoặc cán bộ chuyên môn sẽ dần dần tiếp thu và sử dụng, khai thác có hiệu quả.

Đây là kết quả bước đầu của giai đoạn I, năm 2016 dự kiến sẽ bổ sung thêm 16 đối tượng Ban Dân tộc trực tiếp quản lý đó là: các điểm định canh định cư, các trung tâm cụm xã, Điểm đào tạo nghề cho con em dân tộc thiểu số; Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Điểm sản xuất, giao dịch sản phẩm dệt zèng; Điểm trưng bày hiện vật văn hóa DTTS; Chủ thể văn hóa; Chủ thể ngôn ngữ; Nhà văn hóa, Trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi (thuộc diện đầu tư Chương trình 135) cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Với sự chỉ đạo quyết tâm của Lãnh đạo Ban, sự nỗ lực tham gia của cán bộ công chức Ban Dân tộc, mong rằng, cơ sở dữ liệu về DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế dần dần sẽ là công cụ hữu ích cho công tác xây dựng, quy hoạch, nghiên cứu các chính sách liên quan đến địa bàn trong thời gian tới./.

Cán bộ, công chức Ban Dân tộc chăm chú theo dõi và thực hành trực tiếp trên máy tính xách tay có kết nối internet

Phương Ngọc
Các tin khác
Attempted to divide by zero.