Tìm kiếm tin tức
Những điểm sáng ở vùng dân tộc thiểu số
Ngày cập nhật 21/07/2014

Nhìn lại 5 năm qua, kể từ năm 2009, sau Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ nhất, vùng DTTS đã có những chuyển biến mạnh mẽ; xuất hiện nhiều điểm sáng có tính bền vững và đầy triển vọng phát triển.

Nếu trước đây, bà con các vùng DTTS luôn loay hoay giải bài toán lương thực thì nay, bằng con đường thâm canh lúa nước, lập vườn, trồng rừng, trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) và chăn nuôi đại gia súc, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững và làm giàu. Chỉ tính riêng 2 huyện Nam Đông và A Lưới, hiện có gần 4.200 ha cao su, gần 15.000 ha rừng trồng kinh tế, trên 690 ha cà phê, gần 10.000 con bò; trong đó, đại đa số là của đồng bào DTTS. Ở huyện Nam Đông nhiều hộ DTTS thu nhập 150- 200 triệu đồng/ năm, như các hộ Trần Xuân Bí (Hương Sơn), Lê Thị Hương (Thượng Lộ), Hồ Văn Lùng (Thượng Nhật), Phạm Văn Kinh (Thượng Long), Trần Văn Chia (Thượng Quảng)... Ở huyện A Lưới có nhiều hộ thu nhập trên 100 triệu đồng như các hộ Hồ Văn Khếp (Hồng Thượng), Lê Thanh Hồng (Hương Lâm), Nguyễn Thị Hạnh (A Ngo), Quỳnh Trân (A Roàng), Hồ Văn Bơi (Hương Nguyên)...

Nhờ phát triển sản xuất nguyên liệu nông lâm sản hàng hóa mỗi năm, vùng DTTS xuất bán gần 2.500 tấn mủ cao su khô, gần 120 ngàn tấn gỗ nguyên liệu; giải quyết việc làm thường xuyên và tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Theo đó, thương mại và dịch vụ phát triển phục vụ cho nhu cầu của người sản xuất hàng hóa. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã từng bước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ có hiệu quả thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ anh Hồ Văn Tư, xã Hương Lâm (A Lưới) từ một nông dân thuần túy chuyển sang kinh doanh cà phê, cắt tóc; vợ làm nghề may, dệt zèng…
Điều đáng mừng nhất, từ chỗ Nhà nước phải hỗ trợ đầu tư ban đầu và kiên trì vận động, bà con mới tham gia trồng rừng, trồng cây công nghiệp, thì nay nhiều hộ đồng bào DTTS đã tự bỏ vốn đối ứng để được hưởng chính sách hỗ trợ trồng cao su, trồng mây, trồng rừng kinh tế. Sự chuyển biến trong nhận thức này có ý nghĩa quyết định đến việc khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường và tính chủ động, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của bà con vùng DTTS; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Đầu tư hạ tầng giao thông gắn với vùng sản xuất
Hiện nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước hợp vệ sinh, hạ tầng thông tin và nhà ở dân cư cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân ở các xã vùng DTTS. Cái khó trong thu hút đầu tư ở miền núi là cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng phát triển sản xuất hàng hóa. Nhận thức rõ hạn chế này, trong những năm gần đây, Nam Đông, A Lưới đã chuyển hướng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông vào các khu sản xuất nguyên liệu nông, lâm sản hàng hóa. Đường ô tô nhựa hoặc bê tông hóa đã được đầu tư vào các khu rừng cao su, rừng keo thuận lợi cho khai thác, vận chuyển, hạ giá thành đầu vào khai thác nguyên liệu, tăng thu nhập trực tiếp cho người dân. Trong 5 năm 2009 -2014, vùng DTTS được đầu tư mới và nâng cấp khoảng 100 km đường ô tô; trong đó có 30 km đi vào các khu sản xuất hoặc kết hợp với dân sinh. Việc chuyển hướng đầu tư đã tạo điều kiện để mở rộng diện tích canh tác nông lâm nghiệp, trọng tâm là trồng rừng kinh tế, cây công nghiệp.
Việc phát triển hạ tầng giao thông góp phần tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ rừng tự nhiên. Khoảng 25.000 ha rừng tự nhiên đã được giao cho các cộng đồng dân cư và nhóm hộ gia đình quản lý, hưởng lợi đi kèm giải pháp đầu tư trồng mây dưới tán rừng tự nhiên để làm giàu rừng gắn liền với bảo vệ rừng. Điển hình ở A Lưới, tuyến đường lên núi A Bia (Đồi Thịt băm), một di tích lịch sử nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, hai bên đường là rừng tự nhiên đã được huyện giao cho các nhóm hộ gia đình quản lý; đầu tư thành vùng nguyên liệu mây tập trung, hướng tới phát triển làng nghề mây tre đan thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu và du lịch. Cách làm này mở ra triển vọng bảo vệ tốt rừng tự nhiên với người chủ là đồng bào DTTS, đồng thời giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ
 Do hoàn cảnh khách quan, con em đồng bào DTTS rất khó thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng nên Nhà nước đã có chính sách cử tuyển cao đẳng, đại học cho con em đồng bào DTTS thuộc diện chính sách để đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho vùng DTTS. Trong 5 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm đầu tư phát triển giáo dục toàn diện từ cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học, tăng cường và nâng cao chất lượng thầy cô giáo, công tác khuyến học, kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội nên cả số lượng và chất lượng học tập của con em đồng bào DTTS đã được nâng cao rõ rệt. Năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ chi phí học tập trên 900 ngàn/ năm học/ sinh viên cho con em người DTTS thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy đã tạo thêm động lực thúc đẩy mạnh mẽ thi đua học tập ở vùng DTTS. Trong 5 năm qua, có gần 200 con em người DTTS thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy. Thành quả này mở ra triển vọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho vùng DTTS.
Võ Văn Dự
theo thuathienhueonline.vn
baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.477.072
Lượt truy cập hiện tại 816