Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện A Lưới cho biết, đến thời điểm 20/02/2024, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển: Giải ngân 252.689/344.867 triệu đồng đạt 73% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn năm 2022 cho phép kéo dài thực hiện năm 2023 là 113.131/141.126 triệu đồng đạt 80%; Vốn giao năm 2023 là 139.559/203.741 triệu đồng đạt 68%. Về vốn sự nghiệp, lũy kế giải ngân đến 20/02/2024: 100.115/223.962 triệu đồng đạt 45% vốn UBND tỉnh giao.
Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo. Triển khai thực hiện các dự án về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng Kinh tế - Xã hội; Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Tiểu dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Bên cạnh đó, đã triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Tuy nhiên, có 02 dự án, tiểu dự án quan trọng, tác động trực tiếp đến các hộ dân là dự án Bố trí ổn định dân cư Quảng Nhâm và dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý tiến độ triển khai đang còn chậm. Đồng chí Lê Xuân Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc đã báo cáo thêm về nghiên cứu quy hoạch, tránh điều chỉnh nhiều lần; thông tin thêm các chính sách hỗ trợ cho đơn vị tham gia dự án dược liệu quý.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đề nghị huyện A Lưới cần xây dựng kế hoạch cụ thể và chi tiết trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các cơ quan, đơn vị cần có sự phối hợp, hướng dẫn trong việc thực hiện các dự án, tiểu dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, triển khai lồng ghép các dự án một cách bài bản và có tính toán cụ thể trong thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, lưu ý huyện A Lưới trong việc tập trung hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật để triển khai các dự án đã được phê duyệt phục vụ sản xuất, chỉ đạo triển khai để hình thành các mô hình sản xuất, tạo sinh kế cho người dân. Xây dựng được cảnh quan, môi trường để phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Phối hợp với các sở, ban ngành để xây dựng đề án thoát khỏi huyện nghèo để trình các bộ, ngành, trung ương và Chính phủ.
“Xác định giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là mục tiêu quan trọng; bám sát thực trạng, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn để triển khai thực hiện một cách đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia. Chú trọng đến đào tạo nghề - giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xóa nhà tạm và hỗ trợ sinh kế cho người dân.” Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Buổi chiều cùng ngày, đồng chí Lê Xuân Hải đã có buổi làm việc với UBND thị trấn A Lưới về công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, trong đó tập trung về việc thành lập Ban quản lý cấp xã, Ban phát triển thôn, việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi nghề trong 02 năm 2022 và 2023.