Tìm kiếm tin tức
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN II ( 2006 - 2011 ) tỉnh Thừa Thiên Huế
False 42381Ngày cập nhật 07/05/2012

 Tỉnh Thừa Thiên Huế có 46 xã miền núi, 33 xã có đồng bào dân tộc thiểu số, 39 xã thuộc vùng khó khăn, 12 xã bên giới. Trong đó có 16 xã và 26 thôn/ bản ĐBKK (thuộc xã khu vực II) được đầu tư chương trình 135 giai đoạn II .

 Theo Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg, ngày 10/01/2006 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn II với Mục tiêu tổng quát: Tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.

Tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 135 do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban. Ban Dân tộc là cơ quan thường trực, các thành viên là các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện có xã thuộc Chương trình 135 chỉ đạo thực hiện. Qua 6 năm thực hiện đã phân cấp 13/16 xã làm chủ đầu tư các hợp phần của chương trình; các xã KVII có thôn / bản ĐBKK (26 thôn, bản / 15 xã) phân cấp 13/15 xã làm chủ đầu tư các hợp phần (trừ hợp phần đào tạo).     

           Tổng kinh phí thực hiện trong 6 năm (2016-2011): 144.910 triệu đồng, đã xây dựng 144 công trình giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng, nước tự chảy. Tập huấn 53 lớp chuyển giao kỹ thuật và công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hỗ trợ giống trâu cày, bò cỏ địa phương và bò lai sind, lợn, dê, cá, gia cầm, các loại giống lúa cấp I, ngô lai, lạc, chuối, cà phê, cây ăn quả, giống cây lâm nghiệp; hỗ trợ vật tư, phân bón các loại, hỗ trợ công cụ sản xuất như: máy cày, cày tay, xe rùa, xe cải tiến, máy cắt cỏ, tuốt lúa, bình bơm; xây dựng 28 mô hình vườn nhà, vườn đồi và trồng cỏ nuôi bò tại huyện Nam Đông và A Lưới. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng, người dân 3.842 lượt người. Hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống, trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật cho hàng ngàn hộ nghèo ĐBKK; hỗ trợ học sinh con em hộ nghèo từ mầm non đến phổ thông trung học 18.928 em đảm bảo đến trường, đến lớp; hỗ trợ Văn hoá - thể thao tạo điều kiện để các địa phương duy trì và tổ chức các Lễ hội truyền thống, thể dục thể thao trong các xã, thôn, bản ĐBKK; hỗ trợ pháp lý góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của người dân.

          Kết quả qua 6 năm tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện chương trình 135 giai đoạn II cho thấy: Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã chuyển đổi cách thức sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, đã ổn định phát triển sản xuất. Bước đầu đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất có hiệu quả, chọn cây giống, con giống phù hợp với điều kiện và kinh nghiệm truyền thống của mỗi dân tộc. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đã cải thiện năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi. Cơ sở hạ tầng đã đầu tư đồng bộ, đến nay đã có 100% số xã có trường Mầm non, Tiểu học  Trung học cơ sở, Trung học phổ thông kiên cố và bán kiên cố; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia; trên 87% hộ sữ dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch; gần 50% hộ đã có công trình vệ sinh gia đình; các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả trong tưới tiêu cho số diện tích lúa nước 2 vụ; 98% xã có trạm y tế đạt chuẩn phục vụ tốt cho nhu cầu khám và chửa bệnh của người dân. Đời sống văn hoá - xã hội từng bước được cải thiện, nâng cao, công tác giáo dục, y tế, dân số kế hoạch hoá gia đình, văn hoá- thể dục thể thao, phát thanh truyền hình chất lượng ngày càng nâng cao và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

           Đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn bản đang từng bước chuyển biến về năng lực quản lý và điều hành thực hiện các chính sách, chương trình, dự án tại địa phương thông qua các lớp đào tạo, tập huấn của Chương trình 135, các chương trình dự án khác trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Kết thúc chương trình 135 giai đoạn II tỉnh Thừa Thiên Huế được Chính phủ phê duyệt 3/16 xã (Dương Hoà, TX Hương Thuỷ; Hương Hửu, huyện Nam Đông; Hương Lâm, huyện A Lưới) hoàn thành mục tiêu chương trình/.

                                                   Trần Đình Vũ- Phó trưởng ban Ban Dân tộc.

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.487.449
Lượt truy cập hiện tại 3.618