Tìm kiếm tin tức
Lịch sử hình thành và phát triển của cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương
False 32960Ngày cập nhật 13/09/2018

Thư Chủ Tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số Miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19/4/1946 có đoạn viết “...Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai, hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. ... Giang sơn và Chính phủ là Giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta...”.

Đúng như lời Bác Hồ đã dạy, 72 năm trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ kiên cường dũng cảm của dân tộc ta đã dành độc lập - tự do và trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam XHCN, đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước nói chung và dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế nói riêng luôn đoàn kết thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ nhau như con một nhà; Gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng, phong trào xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, truyền thống yêu nước đoàn kết gắn bó của đồng bào các dân tộc thiểu số; với đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng. Truyền thống này ngày càng được củng cố và phát triển, sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.

* Ở Trung ương:

Ngày 3/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 58 về tổ chức bộ máy Bộ Nội Vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số với nhiệm vụ “Xem xét các vấn đề về chính trị và hành chính về các dân tộc thiểu sổ trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”.

 Chiếu theo sắc lệnh số 58 ngày 9/9/1946, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 359/NĐ-CP Thành lập Nha Dân tộc thiểu số, với chức năng, nhiệm vụ “Nghiên cứu  và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trên toàn cõi Việt Nam để củng cố nguyên tắc bình đẳng, sự đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam” là cơ quan  tiền thân của Uỷ Ban Dân tộc ngày nay, từ đó lấy ngày 9 tháng 9 hàng năm là ngày truyền thống của cơ quan làm công tác Dân tộc trên cả nước.

Ngày 29/01/1955, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 03 về việc thành lập tiểu ban dân tộc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, sau này được đổi tên  gọi là Ban dân tộc Trung ương. Ngày 6/3/1959 Chủ tịch nước ký ban hành sắc lệnh số 17/SL về việc nâng Ban Dân tộc thành Uỷ ban Dân tộc thuộc Hội đồng Chính phủ. Ngày 29/9/1961 Hội đồng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 113/CP thành lập Uỷ ban Dân tộc. Bước sang thời kỳ đổi mới, Chính phủ ký Nghị định số 11/CP hợp nhất  Ban dân tộc Trung ương Đảng với Văn phòng Miền núi và Dân tộc thuộc Chính phủ gọi tên là Uỷ ban Dân tộc và Miền núi. Ngày 16/5/ 2003 Chính phủ ban hành Nghị Định số 51/NĐ-CP gọi tên là Uỷ ban Dân tộc. Và tên gọi đó tiếp tục cho đến nay.

* Ở tỉnh Thừa Thiên Huế:

- Năm 1946 - 1954 Thừa Thiên được thành lập bộ máy chính quyền từ xã đến thôn, vùng Dân tộc - Miền núi năm 1949 thành lập chi bộ Hồng Tiến đầu tiên tại xã Phong Sơn (nay là xã Hồng Tiến) Thị xã Hương Trà. Tỉnh thành lập ban cán sự miền núi trực thuộc tỉnh uỷ phụ trách công tác dân tộc và miền núi, các xã miền núi vùng dân tộc cũng được thành lập uỷ ban kháng chiến hành chính cấp xã, trong thời kỳ này các hoạt động vùng dân tộc miền núi của tỉnh được triển khai thông qua hệ thống chính quyền cấp huyện, xã, thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Chi bộ. Tỉnh đã phân công cán bộ làm nhiệm vụ địa bàn và trực tiếp với đồng bào các dân tộc là những người đã làm công tác vận động, dân vận vùng dân tộc như anh Hồ Ngọc Mỹ (Cu Nô), anh Hoạch, Nhà Hoài, Ra Đàng, Quỳnh Meo, Ăm Bảo, Cu Tông, Cu Đài, Côn Phơi, Nguyễn Ngọc Dũng, anh Biên, Ngô Đình, anh Đức, Trương Văn Hiếu, Hoàng Chính v.v.v. Một số cán bộ miền núi cũng đã trưởng thành trong phong trào như anh Ăm Mật, Quỳnh Hư, Quỳnh Hảo, Quỳnh Trên, Cu Đoan, Cu Đung, Cu Đăng, Hồ Tứi, Hồ Kình v.v.v. Tuy một số đồng chí do sức khoẻ, bệnh tật, do tuổi lớn nay không còn nữa, nhưng tên tuổi và sự nghiệp gắn bó với vùng dân tộc miền núi của các anh mãi mãi được bà con các dân tộc Thừa thiên Huế tạc dạ, ghi lòng. 

 - Năm 1954- 1975: Sau hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm chia hai miền, Thừa Thiên Huế nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn phản động tay sai, Đảng ta chủ trương cử cán bộ của Thừa Thiên Huế tập kết ra Bắc và con em các dân tộc, miền núi của tỉnh được bí mật đưa ra Bắc để học văn hoá và đạo tạo nguồn cán bộ, lực lượng này được Bác Hồ thường nói “hạt giống đỏ”. Trong thời kỳ này tỉnh chưa thành lập được cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc, công tác Dân vận Dân tộc do tỉnh uỷ lãnh đạo. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh thành lập cơ quan chuyên trách làm công tác Dân tộc, Miền núi. Từ năm 1975 - 1976: Ban Miền núi Tỉnh uỷ tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 1976 - 1989: Ban Dân tộc- Miền núi tỉnh uỷ Bình Trị Thiên. Từ năm 1990 - 1993: Ban Dân tộc- Miền núi  tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế. Từ năm 1993 - tháng 9 năm 2004: Ban Dân tộc - Miền núi trực thuộc sở Lâm Nghiệp, nay là sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ tháng 10 năm 2004 đến nay là Ban Dân tộc trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy tên gọi có khác nhau, nhưng qua các thời kỳ cách mạng, công tác Dân tộc và Miền núi luôn được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu của chúng ta thường xuyên quan tâm và coi trọng; được Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp và các địa phương đặc biệt tập trung lãnh chỉ đạo. Nhờ đó, bộ máy chuyên trách làm công tác dân tộc và miền núi  không ngừng được củng cố, tăng cường và ngày càng phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, đã tạo nên bề dày truyền thống lịch sử quý báu của ngành.

Cùng với sự phát triển về tổ chức, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc và miền núi không ngừng được tăng cường, củng cố và thường xuyên bổ sung ngày một trưởng thành. Các thế hệ làm công tác dân tộc và niền núi của tỉnh luôn vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân và của đồng bào các dân tộc giao phó.

            Trải qua 72 năm lịch sử, công tác Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, sự phối kết hợp của UBMT tổ quốc tỉnh tạo động lực mạnh mẽ và thúc đẩy sự phát triển đi lên không ngừng về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, thể hiện công tác dân tộc là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, công tác dân tộc của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự chuyển biến và mạnh mẽ trên nhiều mặt. Các chính sách Dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đã đem lại nhiều thay đổi cho bộ mặt nông thôn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi; cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư xây dựng; tập quán và phương thức canh tác có nhiều tiến bộ; Cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch đúng hướng; Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được cải thiện; Văn hoá xã hội không ngừng phát triển, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc luôn đươc khai thác và phát huy; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, đồng bào các dân tộc trong tỉnh phấn khởi tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước.

            Phát huy thành tựu 72 năm công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bà con đồng bào các dân tộc, miền núi quyết tâm ra sức phấn đấu, tự lực, tự cường vươn lên trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.

            Trãi qua 72 năm kỷ niệm Ngày thành lập cơ quan làm công tác Dân tộc, 14 năm  kể từ khi Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập đã chủ động tổ chức các ngày kỷ niệm.   Năm 2006 Ban đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập cơ quan làm công tác Dân tộc. Năm 2016, Ban đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập cơ quan làm công tác Dân tộc.

            Hằng năm Ban thường xuyên tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm Ngày thành lập cơ quan làm công tác dân tộc để CBCCVC Ban nhằm ôn lại những thành tích cũng như những khó khăn để cùng nhau đoàn kết xây dựng cơ quan Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày một vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ do cấp trên giao phó và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của cơ quan làm công tác dân tộc./.

Hồ Xuân Trăng, TUV, Trưởng Ban Dân tộc
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.468.998
Lượt truy cập hiện tại 487