Tìm kiếm tin tức
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
False 1663Ngày cập nhật 18/01/2024

Ngày 30-12-2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên- Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quyết định tiền đề quan trọng để Thừa Thiên-Huế vững bước tới tương lai.

Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam

Theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Thừa Thiên-Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; là trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước...

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể trong việc phát triển các lĩnh vực của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đến năm 2030, Thừa Thiên-Huế sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD. Thừa Thiên-Huế sẽ thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số chuyển đổi số (DTI). Tỷ lệ người dân ở tỉnh có thẻ bảo hiểm đạt 100%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100% (trong đó phấn đấu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên-Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế- xã hội, Thừa Thiên-Huế sẽ có 3 trung tâm đô thị. Đô thị trung tâm gồm TP Huế được chia thành 2 quận (là quận phía bắc sông Hương, quận phía nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà. Trong đó, quận phía bắc sông Hương, quận phía nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực. Thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh.

Đô thị vùng tây bắc là thị xã Phong Điền- Quảng Điền - A Lưới. Trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh; là cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.

Đô thị vùng đông nam là huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông. Trong đó khu vực Chân Mây được phát triển trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng đô thị này có hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, cảng biển nước sâu Chân Mây phục vụ đón khách du lịch, vận chuyển hàng hóa quy mô lớn; phát triển đô thị biển gắn với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Thừa Thiên - Huế có ba hành lang kinh tế. Trong đó, hành lang kinh tế bắc - nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan), quốc lộ 49B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển. Hành lang kinh tế đông – tây kết nối liên thông 3 cụm cảng biển phía đông (gồm Chân Mây, Thuận An, Phong Điền) với 2 cặp cửa khẩu biên giới Việt Lào ở phía tây (gồm A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài) thông qua các quốc lộ gắn đường Hồ Chí Minh kết nối các nước Lào, Myanmar, Thái Lan.

Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng có trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông hiện đại (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển, kết nối TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và các đô thị ven biển. Thừa Thiên-Huế có ba trung tâm động lực tăng trưởng, gồm: Quần thể di tích, di sản cố đô Huế với khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm; Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Khu công nghiệp Phong Điền.

TP Huế được chia thành 2 quận

Đến năm 2025, Thừa Thiên- Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận (trong đó TP Huế chia thành quận phía bắc sông Hương và quận phía nam sông Hương), 3 thị xã (thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thành lập thị xã Phong Điền) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Trong đó thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Đến năm 2030, thành phố Thừa Thiên-Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị hành chính gồm 3 quận (quận phía bắc sông Hương, quận phía nam sông Hương, quận Hương Thủy), 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông). Thừa Thiên - Huế cũng sẽ đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Thừa Thiên-Huế phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các đô thị động lực trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn - thiên nhiên, thúc đẩy liên kết vùng. Đô thị được mở rộng không gian phát triển theo hướng đông – tây, trong đó xây dựng khu vực phía bắc sông Hương trở thành quận trung tâm văn hóa di sản thế giới, khu vực phía nam sông Hương là quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục.

Hương Thủy là quận gắn với khu công nghiệp và sân bay quốc tế Phú Bài trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, vận tải, logistics. Đô thị Hương Trà được phát triển gắn với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đô thị Chân Mây gắn với khu kinh tế trở thành trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại. Thị xã Phong Điền là trung tâm tổng hợp về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch...

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên-Huế - thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận (quận phía bắc sông Hương, quận phía nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà), 1 thành phố (Chân Mây), các thị xã và các huyện...

Chi tiết tại file đính kèm./.

 

Tập tin đính kèm:
Thu Thảo (St)
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.477.072
Lượt truy cập hiện tại 1.244