Tìm kiếm tin tức
ĐIỀU 5 HIẾN PHÁP 2013 VÀ THỰC TIỂN ĐỜI SỐNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TỈNH TA
Ngày cập nhật 27/05/2014

Hiến pháp đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về chiến lược  công tác dân tộc

 Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc anh em. Vì vậy, vấn đề  dân tộc luôn  ở vị trí  chiến lược quan trọng trong hệ thống các quan điểm cơ bản, được  Hồ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm thỏa đáng. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS)  miền nam tại Pleiku tháng 4 năm 1946, Bác Hồ viết: “ Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia -  rai hay Ê -  đê, Xê - đăng hay Ba - na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt - nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.” Tiếp đó tháng 2 năm 1947, Người viết trong thư gửi đồng bào thượng du: “... Tôi thay mặt Chính phủ, cảm ơn đồng bào, và hứa rằng: Đến ngày kháng chiến thành công,  độc lập thành công,Tổ quốc và Chính phủ sẽ luôn luôn  ghi nhớ những công lao của các đồng bào.”( Hồ Chí Minh toàn tập, trang 126, 290, Nhà xuất bản Sự thật, 1994).

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh,  quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng  và Nhà nước ta về chiến lược  công tác  dân tộc luôn thể hiện đầy đủ trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng.  Gần đây nhất,  Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định:” Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng , đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng  và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc.”

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm cơ bản của Đảng, từ Hiến pháp ( HP)  năm 1946, 1959, 1992 và Hiến pháp năm 2013 hiện hành đều luôn thể hiện sự quan tâm thích đáng đến vị thế, vai trò và quyền lợi của các DTTS.  HP 1946, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời, phải đối phó hằng ngày với thù trong, giặc ngoài, vẫn không quên đề cập đến công tác DTTS, thực hiện đầy đủ lời hứa của Hồ Chủ tịch; điều 8, HP 1946 khẳng định :” Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”. Đến HP năm1959,  công tác  DTTS được phát triển phù hợp với tình hình  mới của đất nước; điều 3 xác định:” Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước có nhiệm vụ gìn giữ và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm. Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục, tập quán, dùng tiếng nói, chữ viết, phát triển văn hóa của dân tộc mình. Nhà nước ra sức giúp đỡ các DTTS mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hóa chung”. Đến HP 1980, sau thống nhất tổ quốc, đã phát triển thêm tại điều 5:” Nhà nước có kế hoạch xóa bỏ từng bước sự chênh lệch giữa các dân tộc về trình độ phát triển kinh tế và văn hóa”. Trong thời kỳ đổi mới, HP 1992 phát triển: “ Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS.”

Qua  quá trình tổ chức thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, cụ thể hóa các nội dung hiến định nên đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa,... của đồng bào các DTTS không ngừng được nâng cao. Vì vậy, HP năm 2013 đã kế thừa và  phát triển các quan điểm về công tác dân tộc được quy định tại điều 5:”(1) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. (2) Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. (3) ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. (4) Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Tổ chức thực hiện chiến lược dân tộc trong thực tiễn cuộc sống

Để cụ thể hóa các quan điểm, Nghị quyết của Đảng được thể chế hóa trong HP, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách để tổ chức thực hiện.

Trước hết, Chính phủ và Ủy ban Dân tộc đã quyết định phân định 3 khu vực ở vùng DTTS để có cơ sở đầu tư phát triển hợp lý. Khu vực 1, là khu vực các các xã  bước đầu phát triển có thể đi cùng nhịp với cả nước  tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại  hóa; khu vực 2, là khu vực có các xã còn khó khăn cần có chính sách đầu tư thỏa đáng; khu vực 3, là khu vực  có các xã ( thôn) đặc biệt khó khăn cần có chính sách ưu tiên đặc biệt để đầu tư mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.  Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 05/2011/NĐ –CP về công tác dân tộc và chính sách dân tộc tạo nền tảng pháp lý để triển khai toàn diện chiến lược  công tác dân tộc;  định kỳ 5 năm tổ chức Đại hội các DTTS ở địa phương và 10 năm tổ chức Đại hội DTTS toàn quốc để  đánh giá toàn diện  cũng như đề ra phương hướng nhiệm vụ cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng vùng DTTS.  Ngay sau khi HP năm 2013 được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã  có  Quyết định (QĐ) 2356/QĐ –TTg ngày 04/12/2013 Ban hành Chương trình hành động thực hiện  chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

 Thứ hai là, rất nhiều chương trình, dự án, đầu tư phát triển kinh tế cho các xã khó khăn, nhất là  xã đặc biệt khó khăn ở vùng DTTS. Ở tỉnh ta, từ năm 1999 đến nay,chương trình 135  tập trung đầu tư cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn;  chương trình xây dựng trung tâm cụm xã, dự án giảm nghèo của nguồn vốn ngân hàng Châu Á, dự án hạ tầng cơ sở dựa  vào cộng đồng, ... cùng nguồn vốn ngân sách địa phương đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng  để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho vùng DTTS và miền núi. Nhờ vậy, đến nay,  từ  tỉnh  về huyện  xa nhất là A Lưới, đi đường ô tô nhựa  chỉ mất khoảng 1h15’ đến trung tâm huyện; từ huyện về đến xã tất cả đều là đường ô tô nhựa, bê tông; tất cả các xã đều có đường ô tô về đến  trung tâm thôn, bản, hầu hết đều được nhựa hóa, bê tông hóa. Gần 100%  hộ dùng điện lưới quốc gia; trên 90% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Phát huy lợi thế sông suối miền núi, nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư để phát triển lúa nước và tưới tiêu cho cây trồng. Việc phát  triển thủy lợi, mở rộng sản xuất lúa nước đã thúc đẩy  đồng bào DTTS dần dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu “ phát, cốt, đốt, trĩa”.  Tất cả các xã đều có trường học, trạm xá kiên cố,  nhiều xã hoặc khu vực  có trường Trung học cơ sở, huyện có trường Dân tộc nội trú và trường Trung học phổ thông. Các xã đều có điểm bưu điện văn hóa kết nối internet; hầu hết số hộ DTTS  có sử dụng điện thoại; truyền hình phủ sóng tất cả các xã, hầu hết các hộ đều có ti vi. Có thể khẳng định thành tựu về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn miền núi tạo điều kiện tiền đề để phát triển kinh tế hàng hóa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng DTTS.

Thứ ba là,  đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp tạo nền tảng để  góp phần quan trọng vào việc phát triển dịch vụ, thương mại, công nhiệp, tiểu thủ công nghiệp. Liên tục 15 năm gần đây, rất nhiều  chính sách chương trình dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện cho vùng DTTS như  chính sách giao đất giao rừng, giải quyết đất sản xuất, đất ở cho đồng bào DTTS; chương trình 327 và kế tiếp là 661 về trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp; hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của dự án giảm nghèo do Ngân hàng Châu Á tài trợ, Dự án đa dạng hóa nông nghiệp về phát triển cao su tiểu điền; dự án trồng rừng sản xuất do Ngân hàng thế giới đầu tư, chính sách trồng rừng sản xuất theo QĐ 147/2007/QĐ –TTg và QĐ 66/2011/QĐ -TTg; hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình 135; chính sách trợ giá, trợ cước và tiếp nối là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo QĐ 102/2009/QĐ -TTg; chính sách cho vay vốn không lãi theo QĐ 32/2007/QĐ –TTg và tiếp nối là chính sách vay vốn lãi suất thấp theo QĐ 54/2012/QĐ –TTg,... Các chương trình, chính sách nói trên đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng liên tục trong 15 năm qua. Nhờ vậy, không chỉ giải quyết ổn định sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn gia đình mà còn hình thành hàng ngàn ha cao su tiểu điền, hàng vạn ha rừng trồng kinh tế, hàng ngàn ha sắn công nghiệp, hàng vạn con bò hàng hóa đã góp phần phát triển kinh tế hàng hóa nông lâm sản ở vùng DTTS  giúp đồng bào có thu nhập tiềm năng để bảo đảm đời sống bền vững. Nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS có thu nhập hàng trăm triệu, hàng chục triệu đồng/ năm.

Thứ tư là, nhiều chính sách  văn hóa, xã hội đã được Chính phủ, tỉnh đầu tư mạnh mẽ cho vùng DTTS như  các chính sách hiện hành: chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; chính sách bảo hiểm y tế  hỗ trợ cho bệnh nhân người DTTS ở khu vực 2, 3 theo QĐ 139 và QĐ 14/QĐ –TTg; chính sách cử tuyển đại học dành cho con em người DTTS; chính sách hỗ trợ  công chức, viên chức  và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác  ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo NĐ 116 2010/NĐ - CP; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho con em người DTTS ở xã khu vực 3 theo NĐ 49/2010/NĐ –CP và NĐ 74/2013/NĐ –CP; chính sách hỗ trợ  tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh người DTTS ở vùng có điều kiện khó khăn theo QĐ 12/2013/QĐ –TTg; chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người DTTS học tại các cơ sở giáo dục dục đại học; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo QĐ 1956/QĐ- TTg; chính sách xóa nhà tạm cho đồng bào DTTS theo QĐ 134/2007QĐ –TTg và QĐ 198/2007/QĐ –TTg; các chính sách dành cho người có công, bệnh binh, thương binh và nhiều chính sách khác,... Riêng tỉnh ta, để khuyến khích thi đua học tập trong con em đồng bào DTTS, bên cạnh chính sách cử tuyển , HĐND tỉnh có Nghị quyết hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên người DTTS thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc hệ chính quy. Định kỳ hai năm 1 lần, tỉnh ta tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao cho các DTTS để duy trì,  và phát huy đời sống văn hóa tinh thần và phong trào thể thao trong các DTTS; UBND tỉnh đã ban hành QĐ số 1727/QĐ –UBND ngày 04/9/2013 công nhận kết quả  điều tra, khảo sát và đối chiếu tiếng nói, chữ viết của người DTTS Pa Co – Tà Ôi và Cơ Tu  làm cơ sở để xây dựng kế hoạch giảng dạy và học tiếng  2 dân tộc  nói trên trên địa bàn tỉnh ta trong tương lai gần;...

Nhờ vậy, từ 60 -70% hộ nghèo, đến nay, toàn vùng DTTS tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ 12,8%  số hộ nghèo toàn tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS không ngừng được nâng cao, nhiều xã phát triển toàn diện không kém các xã đồng bằng, thậm chí có một số xã có điều kiện hạ tầng kỹ thuật và sản xuất hàng hóa bền vững hơn nhiều xã đồng bằng.

Có thể khẳng định rằng những  chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã thật sự cụ thể hóa có hiệu quả những nội dung về chiến lược công tác dân tộc đã được hiến định. Chắc chắn rằng, với quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng đã được HP năm 2013 khẳng định tại điều 5,  nhiều chủ trương và chính sách cụ thể sẽ được Trung ương, tỉnh ban hành để cụ thể hóa chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển toàn diện của vùng DTTS như HP đã kỳ vọng./.

                                                            Võ Văn Dự

 

 

Ban Dân tộc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến CBCC tham gia dự thảo sửa đổi  HP  năm 1992

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.468.998
Lượt truy cập hiện tại 2.923