Tìm kiếm tin tức
Lấy rừng nuôi rừng
Ngày cập nhật 04/11/2014

(TTH) - Khác với các loại tài nguyên thiên nhiên khác, rừng là tài nguyên vừa có giá trị kinh tế, vừa đóng vai trò chính trong bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; đặc biệt là có thể tái tạo được nếu có biện pháp quản lý, sử dụng hợp lý.


Cha ông nói “rừng vàng, biển bạc” song trong thực tiễn, ngành lâm nghiệp đóng góp cho nền kinh tế trên phạm vi cả nước, cũng như ở địa phương rất thấp.

Hàng cây sưa trồng trên đường phố.
Ở Thừa Thiên Huế, lâm nghiệp đóng góp khoảng gần 9% trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (toàn diện). Đóng góp thấp nhưng lâm nghiệp quản lý đến 2/3 diện tích đất đai. Những con số thống kê chưa cho thấy giá trị của “rừng vàng”; song có một thực tế, những người dân, doanh nghiệp làm nghề rừng, kinh doanh rừng phần lớn là giàu có.
Dễ dàng nhìn thấy giá trị của sản phẩm rừng tự nhiên qua sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa. Khi thị trường có nhu cầu gia tăng thì nhiều sản phẩm của rừng càng được săn lùng ráo riết; lâm sản quý từ chỗ mua bán theo đơn vị m3 đã chuyển sang đơn vị kg. Một cây gỗ quý có thể giá từ một vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng như trắc, trầm hương, sưa… Và, cứ mỗi lần thị trường nhộn nhịp mua bán một loại lâm sản nào đó có giá trị đắt đỏ, xa xỉ là các cơ quan quản lý lâm nghiệp, kiểm lâm và chính quyền cơ sở lại lao tâm khổ tứ, quá sức nhọc nhằn để tổ chức bảo vệ, ngăn cấm, xử lý; song đáng tiếc kết quả thường không được như ý.
Việc quản lý bảo vệ những cây gỗ sưa gần đây là minh chứng rõ nét về phương pháp quản lý, kinh doanh rừng của chúng ta. Do thị trường tiêu thụ gỗ sưa “hét giá trên trời”, có lúc 17 triệu đồng/ kg, giá trị một cây sưa đến vài chục tỷ đồng nên thúc đẩy một số người tìm mọi cách, bất chấp hậu quả để săn lùng, khai thác trái phép. Ngay cả trong lòng Thủ đô, ở trung tâm các thành phố, những biện pháp tưởng rằng có thể bảo vệ chặt chẽ như ở Hà Nội hay Buôn Ma Thuột cử người bảo vệ 24/24 giờ, mắc võng ngủ tại chỗ, làm lồng sắt bao bọc quanh cây sưa... nhưng rồi nó vẫn bị chặt trộm, có vụ xác định được thủ phạm, nhưng hầu hết là không. Chi phí để tổ chức lực lượng bảo vệ như thế rõ ràng là tốn kém nhiều, song điều đáng nói là, xem ra công tác bảo vệ vẫn không có hiệu quả, chưa nói đến chuyện tiêu cực.
Cây sưa có tên khoa học là dalbergia tonkinensis prain, còn gọi là cây huê mộc vàng, trắc thối; thuộc nhóm gỗ quý hiếm theo phân loại của ngành lâm nghiệp. Trên thực tế, đây là một cây gỗ quý nhưng không phải là “hiếm”, vì nó tương đối dễ trồng và mọc khá nhanh; trong hệ thống cây xanh đường phố, công viên của nhiều tỉnh, thành phố đã được trồng khá phổ biến từ rất lâu, cũng như hiện nay vẫn đang tiếp tục trồng, nên có những cây sưa cổ thụ bên cạnh những cây sưa đang lớn. Ở Huế, sưa cũng được chú ý gây trồng từ hơn 10 năm trở lại đây, hiện có những hàng cây sưa trồng khoảng 10 tuổi có đường kính gốc khoảng 20 - 30cm phát triển khá tốt ở một số trụ sở cơ quan trên các vỉa hè đường phố.
Ngoài ra, còn nhiều cây gỗ cho dù quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành xác định quý hiếm, nhưng thực tế rất dễ gây trồng ở trên nhiều lập địa, nhiều vùng, nhiều sinh cảnh khác nhau. Tại sao chúng ta không nghĩ đến một cách kinh doanh rừng gắn với thị trường mang lại hiệu quả cao, như mạnh dạn đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác một cách hợp lý để bán thu ngân sách, rồi dùng tiền thu được để tiếp tục tăng cường cho công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng mới rừng. Việc xác định một loài cây cụ thể để khai thác theo nhu cầu thị trường thường áp dụng phương thức chặt chọn tỉ mỉ trong kinh doanh rừng nên ít bị ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng, đến cảnh quan môi trường cũng như tính đa dạng sinh học. Những cây cần để lại làm giống hay để tạo môi trường đa dạng sinh học phải xác định cụ thể vị trí tọa độ để giao trách nhiệm cho chủ rừng bảo vệ, nếu để mất phải xử lý trách nhiệm cá nhân cụ thể. Cách làm này có thể tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách. Ngay thời điểm giá sưa cao như nói ở trên, một tỉnh chỉ khai thác 100 cây gỗ sưa, mỗi cây chỉ cần có 1m3 gỗ thương phẩm, có thể thu được khoảng 1.700 tỷ đồng, quả là một con số quá lớn so với nguồn thu ngân sách.
 Chúng ta lại dùng một phần rất nhỏ của số tiền đó (khoảng 60 tỷ đồng) để trồng lại và chăm sóc, bảo vệ cả ngàn ha sưa, nếu thật sự cần thiết với yêu cầu thâm canh và chất lượng kỹ thuật cao. Cách làm này cũng có thể áp dụng tương tự đối với một số loài cây gỗ quý khác. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách khó có thể đầu tư đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng đặc dụng và phòng hộ thì thực hiện phương châm “lấy rừng nuôi rừng” nên tiếp tục xem xét với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Bao nhiêu năm nay, chúng ta đã chứng kiến các trận phá rừng, hết trầm đến re hương, trắc, lim đến sưa,… Hậu quả, loài cây đó rất khó tìm kiếm chính nơi nó sinh ra, cho dù có muốn gây trồng cũng không có điều kiện kinh phí.
So sánh cách làm trên với cách quản lý cố giữ “ bằng mọi giá” nhưng rồi cũng mất, không thể giữ được, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và phương tiện phục vụ bảo vệ rừng còn rất hạn chế, chủ yếu dùng sức người với tấm bản đồ và máy định vị, thử hỏi ta nên chọn cách nào khi đối mặt với nguy cơ đe dọa một loài cây cụ thể nào đó? Thực tế quản lý bảo vệ rừng đã có câu trả lời thầm lặng và đầy thuyết phục, nhưng câu trả lời công khai của một chủ trương chính thức vẫn thuộc thẩm quyền của các nhà quản lý lâm nghiệp vĩ mô.
Bài, ảnh: Võ Văn Dự
baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.468.998
Lượt truy cập hiện tại 1.276