Tìm kiếm tin tức
Thoát nghèo bền vững cho vùng cao: Phải thay đổi tập quán tiêu dùng
Ngày cập nhật 27/11/2014
Thi đấu thể thao trong ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch tại A Lưới

(TTH) - Để đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo, ngoài những biện pháp thường làm lâu nay còn phụ thuộc rất nhiều vào tập quán sinh hoạt và tiêu dùng. Đến nay, vẫn ít có những công trình nghiên cứu về mặt tập quán xã hội, nhất là tiêu dùng gia đình, nguyên nhân chính làm cho một bộ phận DTTS khó thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Trong một dịp nghiên cứu thực trạng của đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi thủy điện A Lưới năm 2011, sau 1 năm kể từ ngày nhận được tiền đền bù, đã cho những số liệu đáng báo động như sau: Trong số 1.032 hộ đồng bào DTTS nhận hơn 88 tỷ tiền đền bù đất và tài sản để giải phóng mặt bằng thi công lòng hồ và tuyến kênh, bình quân mỗi hộ nhận khoảng 85 triệu đồng. Kết quả khảo sát 974/ 1.032 hộ cho thấy đầu tư vào sản xuất chỉ có 47 hộ sử dụng trên 70% số tiền đền bù, 150 hộ sử dụng trên 30% số tiền đền bù. Đặc biệt có 602 hộ, chiếm tỷ lệ 61,81% không đầu tư đồng nào cho sản xuất; 819 hộ đã tiêu dùng hết, không còn đồng nào, 76 hộ còn từ 30% số tiền trở xuống. Như vậy, sau 1 năm, hầu hết số tiền đền bù nói trên đã tiêu xài hết, nhưng đầu tư cho sản xuất quá ít ỏi, trong lúc đó, nguồn gốc của nó, phần lớn do sản xuất mà ra. Kết quả này phần nào cho thấy đây là một trong những nguyên nhân chính không chỉ làm cho đồng bào DTTS khó vươn lên làm giàu mà còn gây nên đói nghèo.

Việc tiêu dùng “xả láng” thường xảy ra trong các dịp lễ hội, cưới xin. Trong dịp tìm hiểu về tập quán của đồng bào, tôi từng chứng kiến việc tổ chức lễ hội Ariêupin (lễ bốc mả) thường kéo dài thường từ 2-3 ngày đêm, cả thôn “tắt lửa” gia đình để ăn uống vui chung. Bên cạnh đó, các gia đình trong thôn mời khách theo kiểu “bắt cầu” quan hệ như con gái đi lấy chồng thì mời dòng họ bên nhà chồng của con gái; nhà chồng của con gái mình lại mời tiếp họ nhà chồng mà họ đã gả con gái. Trao đổi với gia đình đồng bào DTTS có cả vợ và chồng đều làm cán bộ, họ đều cho biết cứ một lễ hội như thế thì hầu như tất cả các gia đình trong cộng đồng đều tiêu sạch của cải tích lũy được trong 5 - 10 năm, có gia đình tiêu tốn cả trăm triệu đồng; nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất nhiều năm sau, làm việc cật lực mới trả hết. Tương tự, tục thách cưới và một số tập tục khác của đồng bào DTTS cũng làm cho các gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Mặc dù vậy, nhiều cán bộ người DTTS cho rằng khó từ bỏ những tập tục này, nếu như không có một cuộc “cách mạng” về đời sống văn hóa trong đồng bào DTTS.Văn hóa lễ hội là một nét đẹp trong tập quán của đồng bào xét về phương diện tinh thần nên cần thiết phải duy trì; song việc chi tiêu cho lễ hội cần vận động các cộng đồng dân cư và đồng bào DTTS “tùy gia phong kiệm” phù hợp với điều kiện kinh tế.
Không chỉ trong lễ hội, ngay cả tiêu dùng hằng ngày cũng vậy, đồng bào DTTS thường không có kế hoạch sử dụng và chi tiêu đồng tiền hợp lý, cứ có chừng nào tiêu chừng đó và thường chi tiêu rất lãng phí.
Trong dịp làm việc với lãnh đạo huyện A Lưới gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã yêu cầu UBND huyện A Lưới phải xây dựng chương trình tiếp tục đổi mới nếp sống văn hóa và tập quán tiêu dùng từng bước tích lũy vốn trong từng hộ gia đình, có điều kiện để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập nhằm không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu cả đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.

Biểu diễn văn nghệ trong ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào DTTS

 
Để thực hiện được ý kiến chỉ đạo tâm huyết này, trong dịp Đại hội Đảng các cấp sẽ được tổ chức vào năm 2015, A Lưới cần xác định đây là một trong những vấn đề lớn; xem đổi mới nếp sống văn hóa và tập quán tiêu dùng là 1 trong những chương trình trọng điểm đưa vào Nghị quyết Đại hội đảng các cấp. Từ đó, chỉ đạo chính quyền xây dựng đề án cụ thể, xác định những giải pháp thiết thực để tổ chức thực hiện. Để thực hiện tốt vấn đề này, phải chú trọng đến giải pháp coi trọng các nội dung văn hóa tinh thần trong lễ hội của đồng bào hơn là yếu tố vật chất; đồng thời, điều có tính chất quyết định là sự gương mẫu từ các gia đình của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, phải tổ chức thường xuyên hơn các lớp tập huấn hướng dẫn chị em phụ nữ DTTS cách tổ chức đời sống, chi tiêu gia đình hằng ngày cũng như cách tích lũy vốn. Phát động tốt phong trào thi đua, có giải thưởng động viên tinh thần, vật chất cao cho các cộng đồng dân cư, các hộ gia đình gương mẫu thực hiện tốt. Có đề án với những giải pháp cụ thể rồi, cần chọn địa bàn thuận lợi để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm, từng bước nhân rộng. Cố nhiên, không thể một lúc có thể thay đổi ngay tập tục, mà phải dần dần từng bước, song thực tiễn chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở vùng DTTS cho thấy, nếu giải pháp đưa ra là hợp lý và kiên trì thực hiện; phát hiện những hạn chế để bổ sung kịp thời những giải pháp sẽ mang lại hiệu quả mong muốn. Vì như trường hợp xóa bỏ hủ tục phụ nữ người DTTS mang thai phải ra khỏi nhà làm chòi ở riêng để sinh sản đã được đồng bào tán thành cao.
Kiên trì xây dựng và thực hiện tốt chương trình đổi mới nếp sống văn hóa và tập quán tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng giúp đồng bào tích lũy vốn, tái sản xuất mở rộng, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu cả đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.
theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.475.430
Lượt truy cập hiện tại 2.030