Tìm kiếm tin tức
Phân định các yếu tố văn hóa truyền thống tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 02/07/2015

Dưới chủ trương đường lối sáng suốt của Đảng, chính sách, pháp luật thiết thực của Nhà nước và cả sự nỗ lực vươn lên của chính người dân, nhiều năm qua và đặc biệt những năm gần đây, diện mạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực sự có bước đổi mới: Hạ tầng cơ sở cơ bản đáp ứng, nhất là đường giao thông liên thôn, liên xã đã hình thành; giáo dục - đào tạo được nâng lên cả mặt định tính và định lượng, nhiều con em dân tộc thiểu số đã đỗ chính quy vào các trường cao đẳng, đại học công lập; y tế và dân số được định hình và đáp ứng cơ bản từ tuyến xã, phủ đủ bác sĩ tại 100% trạm xá; đời sống văn hóa mới khu dân cư gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống được xây dựng; quốc phòng an ninh và đoàn kết các dân tộc luôn được chú trọng và bảo đảm; đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ nhất qua việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo qua từng năm (đến nay, tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 11,42%, cận nghèo là 10,66%). Tuy vậy, sự đổi mới diện mạo ấy chưa toàn diện, tốc độ đổi mới còn chậm, đường hướng giảm nghèo chưa đa chiều...

Cái được và cái chưa được trong quá trình đổi mới diện mạo vùng cao do nhiều nguyên nhân khác nhau tạo ra. Nhưng một trong những nguyên nhân cốt lõi, theo tác giả bài viết này, có lẽ chưa được nhắc đến một cách bài bản, đó là văn hóa truyền thống - động lực nội sinh - của các DTTS Ta Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều. Văn hóa truyền thống đó tác động nhiều chiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của đồng bào, có những yếu tố tích cực, thúc đẩy sự phát triển nhưng cũng có những yếu tố tiêu cực, cản trở sự phát triển. Sau đây là sự phân định các yếu tố văn hóa truyền thống ấy.

1. Những yếu tố văn hóa truyền thống thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội

Thứ nhất, giá trị thẩm mỹ và giá trị lịch sử lâi dài rất cần khai thác để làm đòn thúc đẩy sự phát triển KTXH vùng DTTS. Giá trị thẩm mỹ thể hiện trong thế giới văn học, mỹ thuật, dân ca dân nhạc dân vũ, kiến trúc, trang phục trang sức (những hoa văn giàu màu sắc và mô típ trang trí, chuyển tải cả bức tranh cuộc sống đương đại của dân tộc; những điệu đàn, điệu trống, cồng chiêng vang xa vang mãi như thổ lộ với thế giới tự nhiên và xã hội những điều mình chất chứa, thương yêu, mong đợi; những tượng nhà mồ như muốn nói với vũ trụ và con người đang sống rằng người chết không chết mà hóa kiếp để về lại với cuộc sống tốt đẹp...). Giá trị lịch sử lâu dài trong truyền thống như các gia phả, tộc phả, các loại sách; các loại nhạc cụ...

Thứ hai, chú ý khai thác hiệu quả, tích cực các yếu tố: nhà sàn, nhà rông (nơi hội tụ cộng đồng tộc người); trang phục giàu màu sắc và hoa văn (thể hiện tính đa dạng phong phú và tính cách tâm lý, trình độ thẩm mỹ của tộc người ); trang sức ở cả nam và nữ giới (biểu hiện nét đặc trưng của văn hóa Đông Nam Á); trong tổ chức dòng họ, làng bản, vai trò của các trưởng họ, già làng, cộng đồng biểu hiện sự tập trung và cố kết; Hội đồng già làng trong luật tục thể hiện nhiệm vụ hòa giải những xích mích, hàn gắn tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các tộc người. Tât nhiên, luật tục ấy vận hành không được trái với pháp luật hiện hành của đất nước; Những hình thái tôn giáo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng, thờ ảnh Bác Hồ, những người có công trong sự nghiệp giữ nước, làng, bản...đều là những nét đẹp của truyền thống dân tộc. Tín ngưỡng thờ thần đất, núi, bếp, thần Mẫu...trên tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết một lòng dựng xây làng bản, quê hương, đất nước, được Đảng, Nhà nước ta tạo điều kiện để cùng nhau thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

          Thứ ba, có những yếu tố văn hóa truyền thống cần được sàng lọc, cải tiến cho phù hợp. Đó là, ở phương diện sản xuất kinh tế, những thao tác xen canh gối vụ, hưu canh trong phương thức sản xuất nương rẫy có thể chuyển thành đa canh kỹ thuật; trong hình thái hái lượm nguyên thủy cũng có thể nâng từ nền kinh tế chiếm đoạt sang nền kinh tế sản xuất, nuôi trồng; từ kinh tế trồng trọt tự cung tự cấp chuyển dần lên thành nền kinh tế sản xuất hàng hóa, các ngành nghề thủ công truyền thống. Ở phương diện kiến trúc, cần thay đổi cách bố trí mặt bằng, kết cấu bên trong của nhà sàn truyền thống. Ở phương diện quan hệ xã hội, truyền thống gia phả, tộc phả, hội đồng môn, tục kết chạ, tinh thần cộng đồng, làng bản...cần đưa vào nội dung mới, tư tưởng mới để khắc phục tính cục bộ, địa phương, bản vị, mở rộng thành các mối quan hệ mới, hiện đại, tiến bộ. Ở phương diện văn hóa tinh thần, những yếu tố trong lễ hội dân gian (như tính cộng đồng, tinh thần yêu nước và yêu lao động...) và tín ngưỡng thờ Mẫu (đó là dấu vết trong quan niệm dân gian về bà mẹ lúa, hồn lúa..), và ngay cả trong tôn giáo thế giới, chúng ta vẫn có thể chắt lọc các yếu tố tích cực về tính nhân ái, bình đẳng, công bằng đưa vào cuộc sống mới của mình.

          2. Những yếu tố văn hóa truyền thống cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội

Thứ nhất, lối tư duy là yếu tố cản trở cơ bản. Tư duy của người DTTS mang tính cổ truyền, trực quan, cảm tính chỉ mới dừng lại ở kinh nghiệm giản đơn trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, chống chọi với thú dữ và kẻ thù, chưa thoát khỏi “tư duy nương rẫy”. Hệ lụy của nó là sự phát triển về khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) còn thấp kém và lạc hậu.

Thứ hai, tập quán du canh du cư đã làm ảnh hưởng đến việc phá rừng, đốt rẫy làm cho hệ sinh thái mất cân đối, đất đai ngày khô cằn, hạn chế sự tăng trưởng năng suất cây trồng. Chưa kể đến những tín ngưỡng trong nông nghiệp (lễ tìm rẫy, phát rẫy, thu hoạch...) làm hao tổn nhiều lễ vật và thời gian. Trong cuộc sống mưu sinh, tất cả mọi công việc (nắm giữ kinh tế, nuôi dạy con cái, tổ chức cuộc sống...) đều đặt nặng lên vai người phụ nữ trong khi họ có những hạn chế nhất định về sức khỏe, năng lực, trí tuệ.

Thứ ba, đồng bào miền núi rất thích đông con. Quan niệm đông con để sinh sôi nảy nở như đất trời vạn vật là khát vọng đẹp trong vũ trụ quan “thiên thời địa lợi nhân hòa”, đẹp trong mối quan hệ tương hỗ hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Nhưng quan niệm này đã làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển dân số hiện nay dẫn đến đói nghèo, chất lượng dân số thấp làm chậm tốc độ phát triển kinh tế. Nguyên nhân của những tồn tại, chủ yếu là do trình độ dân trí chưa được nâng cao, tiềm lực trí tuệ chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của từng vùng miền.

Thứ tư, những yếu tố văn hóa truyền thống cần phải xóa bỏ. Ở phương diện sản xuất kinh tế, nhiều cư dân miền núi lấy nương rẫy làm phương thức sản xuất chính. Lối sản xuất này cho năng suất thấp, không ổn định, kéo theo cuộc sống du canh du cư, tàn phá môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của vùng, quốc gia và cả quốc gia lân cận. Ở phương diện sinh hoạt vật chất, làng bản của đồng bào nhiều dân tộc không được tập trung dẫn đến hoạt động cộng đồng khó khăn, việc học tập vui chơi giải trí không thuận lợi; kiểu trang phục truyền thống (đàn ông mang khố, đàn bà ở trần và mang váy) cũng như tục cà răng căng tai, đi chân đất...không đảm bảo sức khỏe, mỹ quan của con người trong thời đại mới. Ở phương diện quan hệ xã hội, duy trì tính biệt lập, khép kín của từng dòng họ và duy trì mâu thuẫn nối đời giữa các dòng họ; những hình phạt trong tòa án phong tục khắc nghiệt, xúc phạm đến phẩm giá con người; buộc người phụ nữ phải đẻ con trong rừng một mình và sau ba ngày phải lên rẫy; biểu hiện tàn dư của hôn nhân nguyên thủy (quần hôn, hôn nhân cùng huyết thống ...) cũng như hôn nhân mua bán trong xã hội phụ hệ (thách cưới, “mua đầu” con gái...), tảo hôn, đa thê. Những tập tục trong hôn nhân và gia đình đã nêu cản trở việc xây dựng gia đình xã hội chủ nghĩa, theo các nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc; tang lễ tập tục còn nặng nề, thậm chí gây ô nhiễm (kéo dài thời gian, tốn kém sức và của, dồn mồ mới – cũ vào một chỗ...). Cần phải được loại bỏ để phù hợp với xã hội mới, nhận thức mới. Ở phương diện văn hóa tinh thần, một số hình thái tín ngưỡng, kiêng cữ mê tín dị đoan như ma thuật (sản xuất, ăn uống, tình yêu...), kiêng cữ trong sinh hoạt và sản xuất, nếp nghĩ nếp ăn bó hẹp trong cộng đồng, tự cung tự cấp, không có kế hoạch....

Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay đang đánh thức nhiều tiềm năng kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức đối với các dân tộc, nhất là DTTS. Cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển đối với các dân tộc, tộc người thiểu số. Mối quan hệ này cũng biểu hiện tính hai mặt. Truyền thống tốt đẹp là những cái cần phải được tôn vinh, tự hào cần được phát huy nhưng cũng có những truyền thống xấu, lạc hậu, lỗi thời cần phải loại bỏ. Chính vì vậy “cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ (...). Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý (...). Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm”[1]. Truyền thống không phải là một thực thể bất biến một khi các nền văn hóa các DTTS giao lưu và hội nhập mà nó có thể biến đổi, dung nạp những yếu tố hiện đại nhưng vẫn giữ lại cái cốt lõi tinh thần của mình. Ngược lại, không phải bất kể cái gì của hiện đại đều phá vỡ truyền thống và làm tổn thương đến sự phát triển. Điều quan trọng là “Cái gì mới mà hay thì ta phải làm”. Đối với đồng bào các DTTS nói chung, các DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, đời sống kinh tế - xã hội thật sự được khẳng định và nâng cao khi biết điều tiết mối quan hệ giữa yếu tố truyền thống và yêu cầu của cuộc sống hiện đại một cách hài hòa./.



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

 

TS. Nguyễn Thị Sửu, TUV, Trưởng Ban Dân tộc
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.468.998
Lượt truy cập hiện tại 754