Tìm kiếm tin tức
MẤU CHỐT THAY ĐỔI NHẬN THỨC TRONG THANH THIẾU NIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 26/11/2018
Đ/c Hồ Xuân Trăng, TUV, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) đã tác động tiêu cực đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tâm sinh lý và giống nòi. Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, song tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp tại vùng DTTS của tỉnh. Trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng cần có đánh giá cụ thể về nguyên nhân, những tác động để có giải pháp ở nhiều góc độ khác nhau nhằm làm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng này, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở khu vực miền núi.

 

Ông có thể nói rõ hơn về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các DTTS thời gian qua?

Ông Hồ Xuân Trăng: Mặc dù cấp ủy và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có rất nhiều nỗ lực trong quá trình thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”, song tình trạng này ở địa bàn 2 huyện Nam Đông và A Lưới vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, đã làm ảnh hưởng đến công tác dân số - KHHGĐ, gây nhiều hệ lụy. Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã cướp đi quyền được học, vui chơi, cướp đi sự trong trắng, vô tư của các em, nhất là các em gái, buộc họ phải sống trong sự chiếm đoạt cả về thể xác, tâm hồn, rơi vào vòng luẩn quẩn giữa đói nghèo và thất học. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn hai huyện này xảy ra 97 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Trong đó, huyện Nam Đông có 41 trường hợp tảo hôn, huyện A Lưới có 55 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp kết hôn cận huyết thống…

 Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ cản trở sự tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của địa phương, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Vậy, những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Trăng: Cái cốt lõi ở đây do trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật trong đồng bào DTTS còn hạn chế, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên; vẫn còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán, quan niệm lạc hậu, ảnh hưởng sâu trong nhận thức của người dân. Thứ nữa, do công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương còn hạn chế và hiệu quả chưa cao. Sự can thiệp của chính quyền về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa quyết liệt, chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống còn thấp, nhiều gia đình không đủ chi phí cho việc học hành của con cái nên dẫn đến kết hôn sớm; các bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm đối với con cái của mình.

Và, một vấn đề không thể không nói đến là do tác động của những mặt trái trong đời sống hiện đại, thời đại thông tin. Các phương tiện thông tin phát triển mạnh nên giới trẻ tiếp cận dể dàng với các phim ảnh không lành mạnh. Từ đó con đường dẫn đến quan hệ tình dục khi đang ngồi trên ghế nhà trường là rất gần.

Tôi nghĩ rằng, để hướng tới mục tiêu đẩy lùi tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn thì truyền thông thay đổi nhận thức của người dân là giải pháp quan trọng.

Tức là điều này còn do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện các biện pháp ở từng vùng, địa phường chưa thực sự hiệu quả và phù hợp?

Ông Hồ Xuân Trăng: Nhìn nhận một cách khách quan thì hoạt động để mang lại hiệu quả nhất trong việc can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là thanh thiếu niên DTTS về những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thiếu thường xuyên và hạn chế về biện pháp. Cán bộ các cơ quan chính quyền chưa thực sự nhiệt huyết, tận tình, kiên nhẫn khi tuyên truyền cho người dân.

Người tuyên truyền sử dụng những ngôn từ chưa phù hợp với trình độ người dân. Đối với những vùng có trẻ bỏ học nhiều, cán bộ cần đến từng nhà, trao đổi tận tình, khuyên bảo các em học hành, tuyên truyền làm sao hạn chế thấp nhất tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã phát triển ở vùng DTTS, vì thế cần tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như các quy định về vấn đề này qua phương tiện thông tin, loa truyền thanh để người dân dễ tiếp nhận và nắm bắt. Nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm về kênh truyền thông này.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để nói chuyện với đồng bào, tạo mối quan hệ thân thiện và gắn bó với người dân, khi đó hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn. Trong quá trình tuyên truyền, đồng thời phải biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của họ để tăng thêm sự tin cậy của họ đối với các cấp chính quyền.

Ông có cho rằng cần mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình?

Ông Hồ Xuân Trăng: PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh ở Đại học Huế đã có Đề tài nghiên cứu sâu về “Thực trạng và giải pháp đối với vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các DTTS Bắc Trung bộ Việt Nam”.  Đây là tài liệu quý sử dụng để tập huấn cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền trong lĩnh vực này.

Các cấp ủy và chính quyền cơ sở phải lập kế hoạch thường xuyên mở các lớp đào tạo nghiệp vụ về hôn nhân và gia đình cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này, nhất là nghiệp vụ về tuyên truyền, giáo dục vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho đội ngũ các già làng, trưởng bản. Do họ là những người gắn bó chặt chẽ với dân bản, là người có thể kịp thời phát hiện sớm nhất những sai phạm về hôn nhân và gia đình, hay những biến động bất thường diễn ra trên địa bàn. Họ cũng là người có thể tham gia góp ý cụ thể và sát thực nhất về các vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Vì vậy, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ cấp xã, thị trấn, thôn, bản và người có uy tín nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn nạn này của đồng bào các DTTS.

Ông vừa nhắc đến vai trò của các già làng, người có uy tín và của trưởng thôn, bản trong vấn đề này, phải chăng đây sẽ là giải pháp hữu hiệu?

Ông Hồ Xuân Trăng: Già làng, trưởng thôn không những là người nắm rõ phong tục, tập quán, những luật lệ của làng, mà còn có sự hiểu biết về pháp luật cũng như các kiến thức cơ bản khác. Vì thế, cần nâng cao vai trò của già làng, trưởng thôn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; đồng thời, giải quyết và hạn chế những phong tục, tập quán lạc hậu làm ảnh hưởng đến con người và đời sống xã hội. Họ là người có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội, là người có khả năng vận động, khuyến khích người dân và cộng đồng các DTTS thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Thưa ông, nên chăng cần mở rộng xây dựng, đẩy mạnh các mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thanh thiếu niên đồng bào, gắn với phòng chống các tệ nạn xã hội, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc?

Ông Hồ Xuân Trăng: Thực tế vậy, muốn giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, mấu chốt là thay đổi nhận thức của lứa tuổi thanh thiếu niên người DTTS.

Thời gian qua, mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã được triển khai tại các xã vùng đồng bào DTTS trong toàn tỉnh. Mô hình này tác động đến nhiều đối tượng: các tổ chức chính trị - xã hội, những người có uy tín trong cộng đồng, phụ huynh học sinh, đặc biệt là đối tượng nam nữ thanh niên và vị thành niên từ 14-20 tuổi; nhóm phụ nữ đã tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Trong đó, mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng đối với thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương.

Quá trình triển khai mô hình, bước đầu cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định, tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã có chiều hướng thuyên giảm qua từng năm. Trên cơ sở này, hướng đến sẽ tập trung phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể như thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng vùng, từng đối tượng trong việc thi đua thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình nói chung và tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng trên địa bàn vùng DTTS.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.468.998
Lượt truy cập hiện tại 3.282