Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nhóm cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện dự án, kế hoạch, phương án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.
Theo đó nghị quyết quy định các mức mức hỗ trợ cụ thể như sau:
Mức hỗ trợ cụ thể từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện dự án, kế hoạch phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị
Nghị quyết quy định mức hỗ trợ tối đa không quá 80% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 70% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khó khăn; không quá 50% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể như sau:
- Hỗ trợ đào tạo tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án, kế hoạch.
- Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án, kế hoạch.
- Hỗ trợ chi phí mua vật tư; cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 1.000 triệu đồng/dự án, kế hoạch.
- Hỗ trợ chi phí quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, mở rộng các kênh phân phối. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án, kế hoạch.
- Hỗ trợ chi phí xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; bao bì, nhãn mác sản phẩm; chi phí để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, phân tích thành phần định lượng của hàng hóa; chi phí thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án, kế hoạch.
- Hỗ trợ đầu hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ liên kết: Hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho hàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa không quá 2.000 triệu đồng/dự án, kế hoạch.
- Hỗ trợ xây dựng, quản lý dự án, kế hoạch: Chi phí lựa chọn dự án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất (bao gồm chi phí khảo sát, đánh giá; thành lập hội đồng lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình; lựa chọn đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ; thẩm định giá trong phương án mua sắm vật tư, hàng hóa, dịch vụ) được tính trong kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; không vượt quá 5% tổng kinh phí được giao để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.
Chi phí triển khai, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chi khác về quản lý dự án, kế hoạch. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/dự án, kế hoạch.
Trường hợp dự án thực hiện trên nhiều địa bàn khác nhau thì nội dung dự án thực hiện tại địa bàn nào sẽ được hưởng mức hỗ trợ của địa bàn đó theo quy định.
Đối với mỗi nội dung hỗ trợ liên kết quy định tại khoản 1 Điều này, các bên tham gia liên kết ở nội dung nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ của nội dung đó theo quy định.
Mức hỗ trợ cụ thể từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện dự án, phương án phát triển sản xuất cộng đồng
Nghị quyết quy định mức hỗ trợ tối đa không quá 95% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án/phương án trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 80% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án/phương án trên địa bàn khó khăn; không quá 60 % tổng chi phí thực hiện một (01) dự án/phương án trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể như sau:
- Hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm. Mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/dự án, phương án.
- Hỗ trợ chi phí vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất. Mức hỗ trợ chi phí theo thực tế nhưng tối đa không quá 1.000 triệu đồng/dự án, phương án.
- Hỗ trợ chi phí quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ chi phí để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chi phí truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
- Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án, phương án.
- Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/dự án, phương án.
- Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/dự án, phương án.
- Hỗ trợ xây dựng, quản lý dự án, phương án:
- Chi phí lựa chọn dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất (bao gồm chi phí khảo sát, đánh giá; thành lập hội đồng lựa chọn dự án, phương án, mô hình; lựa chọn đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ; thẩm định giá trong phương án mua sắm vật tư, hàng hóa, dịch vụ) được tính trong kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; không vượt quá 5% tổng kinh phí được giao để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.
- Chi phí tổ chức hội nghị, triển khai, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Chi khác về quản lý dự án, phương án. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/dự án, phương án.
Đối với mỗi loại hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, cộng đồng dân cư thực hiện dự án sản xuất cộng đồng ở nội dung nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ của nội dung đó theo quy định.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 17 tháng 12 năm 2023 và bãi bỏ Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 04 tháng 01 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Bãi bỏ Điều 8 Quy định nội dung và mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 kèm theo Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Hồ Nguyên