Tìm kiếm tin tức
Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống tại huyện miền núi A Lưới.
False 9541Ngày cập nhật 19/04/2024

Trong thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt tại các xã đặc biệt khó khăn. Với mục tiêu đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hành trình thoát nghèo bền vững, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện A Lưới đã thường xuyên quan tâm, phối hợp Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến người dân để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Hồng Kim là một trong những xã có tỷ lệ hộ đồng bào DTTS cao chiếm đến 96,36% đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Pakô. Tại đây, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi để giải ngân cho bà con vay vốn đầu tư tăng thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng…Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hộ dân tộc thiểu số có nguồn lực để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình anh Trần Văn Nghiệp trú tại thôn Đút 1, xã Hồng Kim huyện A Lưới năm 2021 được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho các hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn về đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, với số tiền vay là 50 triệu đồng, ông Nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trồng 3 ha rừng kết hợp với nuôi 05 con bò, đến nay 03 rừng phát triển tốt, đàn bò của gia đình anh đã được 10 con cả bò mẹ và bò con. Nhờ nguồn vốn ưu đãi cùng với sự đầu tư đúng hướng vào các mô hình kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giúp hàng nghìn hộ dân các xã vùng khó khăn ở huyện A Lưới có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Những kết quả đạt được từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn huyện hiện nay là quá trình thực hiện kiên trì, bền bỉ trong thời gian dài, có tính kế thừa và phát triển về mặt chất lượng, từng bước tích hợp các chính sách giảm nghèo, chuyển từ thực hiện chuẩn nghèo đơn chiều sang chuẩn nghèo đa chiều của Đảng và Nhà nước trong đó không thể không nói đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Ông Hồ Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim cho biết:

- Nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn lực rất quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

- Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH hàng năm đã có trên 146 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó trên 134 hộ đồng bào DTTS được vay vốn (chiếm 91,8% số lượt hộ vay) để sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.

- Đến nay dư nợ đạt 24.358 triệu đồng, không có nợ quá hạn.

- Hiện nay một số chương trình tín dụng chính sách dành cho người đồng bào DTTS hết thời gian thực hiện. Đề nghị Chính phủ sớm có các chương trình tín dụng chính sách khác thay thế để thực hiện thành công Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc Hội về việc phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn xã.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vốn cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua chủ yếu được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, lợn, trồng chuối... đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng ngàn lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ dân tại các xã vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước quen dần với cơ chế thị trường. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn đã mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm tới các chủ trương, chính sách tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi. Trong giai đoạn mới, chính sách tín dụng xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tiếp tục đổi mới và mở rộng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến các dự án sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số./.

Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện A Lưới

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập 1.512.165
Lượt truy cập hiện tại 4.389